Tài liệu cơ bản về WTO và quan hệ với Việt Nam
1. Quan hệ WTO và Việt Nam:
1.1. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập vào 01/01/1995, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ; Tổng Giám đốc hiện tại của WTO là bà Ngozi Okonjo-Iweala. WTO có 04 nhiệm chính bao gồm: (i) Thúc đẩy việc thực hiện các Hiệp định và cam kết đạt được trong khuôn khổ WTO; (ii) Tạo diễn đàn để các thành viên tiếp tục đàm phán, ký kết những Hiệp định, cam kết mới về tự do hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại; (iii) Giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh giữa các thành viên WTO; và (iv) Rà soát định kỳ các chính sách thương mại của các thành viên. Đến nay, đã có 166 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của WTO, chiếm 98% thương mại thế giới.
- Gần đây, Hội nghị cấp Bộ trưởng WTO lần thứ 13 từ ngày 26 -29/2/2024 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất đã thông qua Tuyên bố cấp Bộ trưởng Abu Dhabi tái khẳng định các nguyên tắc cơ bản của WTO, đồng thuận về việc định hướng WTO cởi mở, hướng tới tương lai nhằm ứng phó với các thách thức, tận dụng các cơ hội hới trong sự phát triển năng động của thế giới; tiếp tục lấy phát triển làm trung tâm trong hoạt động của WTO. Đáng chú ý, Hội nghị đã thông qua việc kết nạp thêm 02 thành viên mới là Comoros và Timor-Leste. MC 13 đã thông qua các quyết định xem xét các điều khoản về đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển và kém phát triển nhất (LDC); cho phép các thành viên sau khi “tốt nghiệp” LDC tiếp tục được hưởng quy định ưu đãi theo Thỏa thuận Giải quyết tranh chấp (DSU) và Cơ chế hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo của WTO trong thời gian 3 năm. Về thương mại điện tử, các thành viên đồng ý duy trì thông lệ không áp thuế hải quan đối với truyền dẫn dữ liệu trong thương mại điện tử cho đến Phiên họp tiếp theo.
1.2. Việt Nam chính thức là thành viên của WTO ngày 11/01/2007, là thành viên thứ 150 của Tổ chức này. Việt Nam là thành viên tích cực và đã tham gia vào các hoạt động chung tại WTO, bao gồm: Nhóm bạn của hệ thống (do Thụy Sỹ chủ trì), Nhóm Ủy ban ASEAN tại Geneva bên cạnh WTO – ACG WTO, Nhóm không chính thức của các nước đang phát triển, Nhóm các nước xuất khẩu nông sản….
- Việt Nam cũng đã tham gia 03 vòng đàm phán lớn bao gồm: (i) Đàm phán Doha; (ii) Hiệp định tạo thuận lợi thương mại TFA và (iii) hiện đang tham gia Đàm phán về trợ cấp thủy sản gói 2. Đối với sáng kiến nhiều bên, Việt Nam đã tham gia 02 sáng kiến bao gồm: Doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; Trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Việt Nam đã thực hiện 02 phiên rà soát chính sách thương mại (TPR), gần đây nhất là phiên rà soát giai đoạn 2014-2019 diễn ra tháng 4/2021. Tại phiên TPR lần thứ 2, Việt Nam được các thành viên WTO đánh giá cao về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
- Tháng 5/2023, Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala đã có chuyến thăm Việt Nam và làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tại buổi làm việc, bà Okonjo – Iweala có nhiều đánh giá tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam và quan hệ Việt Nam WTO, đề nghị Việt Nam cân nhắc tham gia một số hiệp định nhiều bên của WTO (Hiệp định về thương mại điện tử, Hiệp định tạo thuận lợi hóa đầu tư; sớm phê chuẩn Hiệp định trợ cấp nghề cá) và mong muốn hợp tác với Việt Nam phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế bao trùm, tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống cho các đối tượng yếu thế, phụ nữ, trẻ em để không ai bị bỏ lại phía sau.
- Hiện Việt Nam đang tham gia đàm phán về Hiệp định Công nghệ thông tin mở rộng (ITA2), nghiên cứu khả năng tham gia sáng kiến Hiệp định thuận lợi đầu tư cho Phát triển (IFD), tích cực tham gia trong đàm phán nông nghiệp và đang trong quá trình thông qua Hiệp định Trợ cấp Thủy sản gói 2.
1.3. Kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về thương mại. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, từ 48 tỷ USD vào năm 2007 lên đến trên 405,53 tỷ USD vào năm 2024, gấp gần 9 lần so với thời điểm gia nhập. Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, duy trì mức xuất siêu liên tục trong chín năm qua, với thặng dư thương mại tăng từ 1,77 tỷ USD năm 2016 lên trên 24,77 tỷ năm 2023.
2. Việt Nam và các FTA:
- Đến nay, Việt Nam đã ký kết 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, bao gồm: AFTA; FTA giữa ASEAN và Trung Quốc; FTA giữa ASEAN và Hàn Quốc, FTA giữa ASEAN và Nhật Bản, FTA giữa ASEAN và Ấn Độ, giữa ASEAN và Australia, New Zealand, giữa ASEAN và Hồng Kông (TQ), FTA song phương với Nhật Bản, Chile, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Israel, UAE; FTA Việt Nam – EAEU (Nga, Belarus, Amenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan), CPTPP (Việt Nam, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia, Vương quốc Anh), FTA VN – EU, RCEP (ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand).
Hiện có 2 FTA đang đàm phán gồm: FTA Việt Nam - EFTA (Thụy Sĩ, Na uy, Iceland, Liechtenstein) và FTA giữa ASEAN và Canada.
- Với việc tham gia nhiều các FTA, thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ngày càng được mở rộng theo chiều hướng đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện đã có mặt trên 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó châu Á vẫn là khu vực thị trường xuất khẩu quan trọng, chủ yếu của Việt Nam với tỷ trọng kim ngạch chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu./.