EMC Đã kết nối EMC
Hỏi đáp với chúng tôi

Chào mừng các bạn đã tới với Bộ Ngoại Giao !

Những câu hỏi thường gặp
  • Bạn muốn biết gì về Bộ Ngoại Giao ?
Thứ Tư, ngày 26 tháng 3 năm 2025

TÀI LIỆU CƠ BẢN
DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI (WEF)
VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

I. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF):
WEF là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công – tư, được Giáo sư Cờ-lau Soáp (Klaus Schwab) thành lập năm 1971, có trụ sở tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ. WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau. Các đối tác thành viên của WEF phải nộp phí thành viên trong khoảng 60.000 Phơ-răng đến 600.000 Phơ-răng Thụy Sỹ tùy theo cấp độ khác nhau. WEF là một trong những diễn đàn đầu tiên thảo luận về Cách mạng công nghiệp 4.0 và hiện đang thực thi một số sáng kiến cụ thể và thực chất liên quan như Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) tại Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản và Trung tâm an ninh mạng với sự tham gia của 92 đối tác.
Sự kiện quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hàng năm tại Đa-vốt (Davos), Thụy Sỹ. Bên cạnh đó là các diễn đàn khu vực: Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF ASEAN… Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu - học thuật… hàng đầu thế giới để định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu. 
Ngày 21/4/2025, Giáo sư Klaus Schwab – Nhà sáng lập WEF thông báo từ chức khỏi vị trí Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị sau hơn 50 năm với vai trò lãnh đạo tổ chức này. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh WEF đang tiến hành điều tra các cáo buộc liên quan đến ông Schwab, đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn chuyển giao quyền lực quan trọng.
Hiện Hội đồng quản trị WEF đã bổ nhiệm cựu giám đốc điều hành Nestlé Peter Brabeck-Letmathe làm chủ tịch lâm thời và đang tìm kiếm người thay thế chính thức. Trong thời gian chuyển giao, WEF dự kiến sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động thường niên tại Davos và các sáng kiến toàn cầu. Tuy nhiên, sự thay đổi lãnh đạo có thể ảnh hưởng đến định hướng và chiến lược của tổ chức trong tương lai, trong đó có chính sách quan hệ của WEF đối với các quốc gia.
  

 II. Quan hệ Việt Nam và WEF:
    1. Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa 

Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam đã 06 lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Đa-vốt ở cấp Thủ tướng Chính phủ (2007, 2010, 2017, 2019, 2024, 2025) (các năm khác thường tham dự ở cấp Phó Thủ tướng); 02 lần tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong WEF tại Thiên Tân/Đại Liên (2023, 2024); 4 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN (trước năm 2016 là WEF Đông Á) cấp Thủ tướng Chính phủ (2012, 2013, 2014 và 2017) (các năm khác thường ở cấp Phó Thủ tướng Chính phủ).
    Lãnh đạo hai bên cũng đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc, trao đổi cấp cao, đặc biệt giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Cờ-lau Soáp tại Hội nghị WEF Thiên Tân (tháng 6/2023), Hội nghị WEF Đa-vốt (tháng 1/2024, tháng 1/2025), Hội nghị WEF Đại Liên (tháng 6/2024), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 41 (tháng 11/2022) và lần thứ 43 (tháng 9/2023), và nhân dịp chuyến thăm làm việc của Chủ tịch WEF Cờ-lau Soáp tại Việt Nam (05-07/10/2024).  
  

 2. Việt Nam và WEF đã phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị quan trọng: 
    - Đến nay, Đối thoại Chiến lược quốc gia (CSD) giữa Việt Nam và WEF đã được tổ chức 04 lần: Lần thứ nhất (ngày 29/10/2021) được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo”; Lần thứ 2 (26/6/2023, tại Hội nghị WEF Thiên Tân) với chủ đề “Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước”; Lần thứ 3 (16/01/2024, tại Hội nghị WEF Đa-vốt) với chủ đề “Chân trời phát triển mới: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam”; Lần thứ 4 (21/01/2025, tại Hội nghị WEF Đa-vốt) với chủ đề “Giải phóng tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam: Thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo vì một tương lai hùng cường”. Các đối thoại được nhận định là đối thoại chiến lược quốc gia thành công nhất mà WEF phối hợp với một quốc gia tổ chức, thu hút tham dự đông đảo của các doanh nghiệp và đại biểu WEF.
    - Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội từ ngày 11-13/9/2018, Hội nghị WEF – Mê Công lần đầu tiên ngày 25/10/2016 tại Hà Nội và Hội nghị WEF Đông Á từ 6-7/6/2010 tại TP. Hồ Chí Minh.
 

III. Một số hợp tác cụ thể giữa WEF và các Bộ, ngành Việt Nam:
1. Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam – WEF giai đoạn 2023-2026:
Ngày 26/6/2023, tại Hội nghị WEF Thiên Tân, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam – WEF giai đoạn 2023-2026 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giáo sư Cờ-lau Soáp, là nền tảng quan trọng thúc đẩy hợp tác hai bên trong giai đoạn mới. MOU tập trung vào hợp tác trong 6 lĩnh vực gồm: (i) Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực thực phẩm; (ii) Phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh; (iii) Cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng 0;  (iv) Thúc đẩy các hành động về nhựa, bao gồm Chương trình hành động đối tác toàn cầu về nhựa (GPAP); (v) Tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo; (vi) Hợp tác chuyển đổi số và thúc đẩy thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR). 

2. Việt Nam hiện không có doanh nghiệp là thành viên của WEF. Một số doanh nghiệp Việt Nam từng là thành viên WEF gồm: Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Vingroup, VinaCapital, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SIG), 
Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA, Công ty Truyền thông đa phương tiện Đất Việt VAC (DatVietVAC), Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Đầu tư Công nghiệp Việt Nam./.


Cập nhật đến tháng 06/2025