TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ BRICS
VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
1. Thông tin cơ bản về BRICS
BRICS được thành lập năm 2006 ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, ban đầu gồm 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, phát triển lên cấp Hội nghị thượng đỉnh từ năm 2009, kết nạp thêm Nam Phi từ năm 2010.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 được tổ chức tại
thành phố Rio de Janeiro, Brazil từ ngày 06-07/7/2025 với chủ đề “Tăng cường hợp tác Phương Nam vì quản trị bao trùm và bền vững hơn”.
Hợp tác của BRICS dựa trên ba trụ cột, gồm hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế - tài chính, văn hóa và giao lưu nhân dân. Các cơ chế hợp tác nổi bật gồm Hội nghị thượng đỉnh, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, các Hội nghị
Bộ trưởng chuyên ngành, Ngân hàng phát triển mới (NDB), các hội đồng/liên minh/cơ chế hợp tác chuyên ngành và các cơ chế đối thoại với các nước không phải thành viên. BRICS hoạt động theo hai kênh bổ trợ lẫn nhau: các cuộc họp dành riêng cho các thành viên BRICS và các phiên họp Đối tác BRICS có sự tham dự của các nước đối tác BRICS.
BRICS được thành lập với mục tiêu ban đầu là trở thành một thể chế chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu nhằm phản ánh tương quan lực lượng theo hướng công bằng, cân bằng và có tính đại diện cao hơn. Trong trật tự thế giới đa cực đang hình thành, BRICS đang nổi lên có tiềm năng trở thành một trụ cột mới trong hệ thống đa phương. Nga và Trung Quốc đều muốn đưa BRICS thành một lực lượng chính trị có sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng.
BRICS hiện tập trung vào một số định hướng hợp tác và phát triển, gồm:
(i) Thúc đẩy quá trình mở rộng thành viên nhằm mở rộng quy mô và ảnh hưởng của Nhóm trên phạm vi toàn cầu. (ii) Nghiên cứu thúc đẩy thể chế hóa cao hơn (ví dụ như thành lập cơ quan thường trực – Ban Thư ký BRICS). (iii) Củng cố, mở rộng vai trò, ảnh hưởng của Ngân hàng NDB; (v) Mở rộng hợp tác trên Mỹ và phương Tây dẫn dắt: Chuỗi cung ứng BRICS, hợp tác công nghệ mới, hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ, nền tảng thị trường chung (FTA BRICS), xây dựng kết cấu hạ tầng y tế, xã hội, thúc đẩy thương mại đa phương, đầu tư, chống biến đổi khí hậu...
2. Trong khuôn khổ BRICS, đến nay có một số cơ chế tham gia dành cho các nước không phải thành viên BRICS:
(i) Cơ chế nước Đối tác: Dành cho những nước bày tỏ quan tâm đến BRICS để trở thành Đối tác BRICS. Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 tại Nga (22-24/10/2024) đã thông qua Quy chế và Danh sách nước Đối tác đợt 1. Tiêu chí của nước đối tác gồm: (i) Là nước thị trường mới nổi, là đại diện tiêu biểu của khu vực và có sức ảnh hưởng toàn cầu; (ii) Là thành viên của Liên hợp quốc, ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thúc đẩy cải cách quản trị toàn cầu; (iii) Nước thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước thành viên BRICS; (iv) Ủng hộ các quan điểm và giá trị của BRICS về mở cửa, bao trùm, hợp tác cùng thắng.
(ii) Tham gia Ngân hàng NDB: Đến nay có 02 thành viên ngoài BRICS tham gia NDB (Bangladesh và Uruguay). Trước đó, Ai Cập và UAE cũng tham gia NDB sau đó đã chính thức trở thành thành viên BRICS từ 01/01/2024. Việc tham gia NDB gắn với nghĩa vụ đóng góp tài chính để bảo đảm các dự án được hưởng lợi/tài trợ từ Ngân hàng.
(iii) Tham gia với tư cách khách mời Hội nghị thượng đỉnh (BRICS+):
Các nước chủ nhà BRICS, trên cơ sở tham vấn với các nước BRICS, có thể mời các nước không phải thành viên hoặc các tổ chức quốc tế tham dự HNTĐ BRICS. Tại HNTĐ BRICS lần thứ 14, Trung Quốc mời Lãnh đạo 13 nước tham dự. Tại HNTĐ BRICS lần thứ 15, Nam Phi mời 54 nước châu Phi và một số nước quan tâm gia nhập BRICS tham dự. Tại HNTĐ BRICS lần thứ 16, Nga mời 41 nước và tổ chức quốc tế tham dự.
(iv) Tham gia Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Những người bạn của BRICS (Friends of BRICS), được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng
Ngoại giao BRICS hàng năm. Những nước được ưu tiên mời thường là các quốc gia đang giữ vai trò chủ tịch các cơ chế, tổ chức khu vực (như Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Liên minh châu Phi…) hoặc các nước quan tâm đến việc gia nhập BRICS.
(v) Tham gia các diễn đàn/đối thoại trong khuôn khổ BRICS: Các thành viên BRICS có thể mời các nước quan tâm tham dự các hội nghị, đối thoại về các các lĩnh vực cụ thể (an ninh, phát triển đô thị,...).
3. Đến nay, BRICS đã qua 03 lần mở rộng:
lần 1 vào năm 2010 khi BRICS kết nạp thêm Nam Phi; lần 2 tại HNTĐ lần thứ 15 tại Nam Phi tháng 8/2023 khi BRICS kết nạp thêm 4 thành viên mới; lần 3 tại HNTĐ lần thứ 16 tại Kazan, Nga tháng 10/2024 khi Nga trên cương vị Chủ tịch BRICS đã kết nạp thêm Indonesia với tư cách nước thành viên và 09 đối tác. Theo Đại sứ lưu động tại châu Á và Nhóm BRICS của Nam Phi Anil Sooklal, hiện có 40 quốc gia đã chính thức hoặc không chính thức bày tỏ quan tâm xin gia nhập BRICS hoặc các cơ chế hợp tác của BRICS.
II. Sự tham gia của Việt Nam tại BRICS:
Những năm gần đây, theo lời mời của các nước Chủ tịch BRICS, ta đã cử đại diện tham dự một số hoạt động trong khuôn khổ BRICS mở rộng:
Năm 2023, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi tham dự Hội nghị BRICS châu Phi và Đối thoại BRICS mở rộng (tháng 8/2023), Hội nghị Đối thoại các đảng chính trị khối BRICS mở rộng lần thứ IV (tháng 7/2023).
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng, trong khuôn khổ HNTĐ BRICS vào ngày 23-24/10/2024 tại Kazan theo lời mời của Tổng thống Nga Putin. Ngoài ra, trong khuôn khổ các hoạt động BRICS mở rộng, Bộ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lương Tam Quang tham dự Đối thoại Lãnh đạo cấp cao phụ trách an ninh các nước BRICS và các nước Nam Bán cầu (11/9/2024); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng tham dự Đối thoại cấp Bộ trưởng BRICS và các nước đang phát triển trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS (Nizhny Novgorod, 10-11/6); Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Minh Tâm tham dự Diễn đàn liên Đảng quốc tế BRICS+ và Hội nghị bàn tròn các chính đảng Nga và các nước ASEAN (Vladivostok, 16-19/6).
Ngày 23/5/2025, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Bùi Thanh Sơn có thư gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Brazil nhận lời trở thành nước đối tác của BRICS. Ngày 13/6/2025, Bra-xin chính thức công bố việc Việt Nam trở thành nước đối tác thứ mười của BRICS./.
Cập nhật tháng 6/2025
(1) Ý tưởng thành lập BRICS được Nga khởi xướng tại cuộc gặp của lãnh đạo 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc bên lề HNTĐ G8 mở rộng tại St. Petersburg tháng 7/2006. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRIC đầu tiên diễn ra nhân Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2006; Hội nghị thượng đỉnh BRIC đầu tiên diễn ra tại Ekaterinburg, Nga tháng 6/2009. Nam Phi lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 3 tại Tam Á, Trung Quốc tháng 4/2011.
(2) Ngân hàng NDB được thành lập năm 2015, có tổng vốn điều lệ là 100 tỉ USD, trong đó Trung Quốc đóng góp 41 tỉ, Nga, Brazil và Ấn Độ mỗi nước 18 tỉ, Nam Phi 5 tỉ USD. NDB đặt trụ sở tại Thượng Hải, Chủ tịch hiện là Bà Dilma Rousseff, Cựu Tổng thống Brazil, với nhiệm kỳ 5 năm (2023-2028). NDB tập trung vào nhu cầu của các quốc gia thành viên với khoảng 100 dự án trị giá hơn 32 tỉ USD về năng lượng sạch, giao thông, thủy lợi, vệ sinh môi trường, phát triển đô thị… Năm 2021, NDB kết nạp 4 thành viên mới: Bangladesh, Ai Cập, UAE và Uruguay.
(3) Hội đồng kinh doanh BRICS, Liên minh doanh nghiệp nữ BRICS, Nền tảng hợp tác nghiên cứu năng lượng BRICS, Hội đồng học giả BRICS, Mạng lưới các đại học BRICS, Ủy ban hỗn hợp hợp tác vũ trụ BRICS (Nga mời các nước BRICS thành lập trạm vũ trụ mới)…
(4) Gồm Algeria, Argentina, Campuchia, Ai Cập, Ethiopia, Fiji, Indonesia, Iran, Kazakhstan, Malaysia, Senegal, Thái Lan và Uzbekistan.
(5) Gồm (Liên bang Nga, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Ai Cập, Iran, UAE, Ethiopia, Azerbaijan, Belarus, Bolivia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lào, Mauritania, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan, Cộng hòa Congo, Armenia, Mông Cổ, Venezuela), Phó Thủ tướng Serbia; Bộ trưởng Ngoại giao các nước Brazil, Cuba, Indonesia, Thái Lan, Ả-rập Xê-út, Barhain; Cố vấn Tổng thống về Đầu tư, Thương mại và Hợp tác Quốc tế Nicaragua và đại diện các nước Sri Lanka, Algeria, Ma-rốc, Mexico; Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng thư ký Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD)..., Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO); Chủ tịch Liên minh kinh tế Á-Âu và Ngân hàng Phát triển mới (NDB).
(6) Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Những người bạn của BRICS tại Nam Phi (tháng 6/2023) có 14 khách mời gồm Comoros, Cuba, Cộng hoà Dân chủ Congo, Gabon, Iran, Kazakhstan, Saudi Arabia, Ai Cập, Argentina, UAE, Bangladesh, Guinea-Bissau, Burundi, Indonesia.
(7) Gồm Ả-rập Xê-út, Ai Cập, Ethiopia, Iran.
(8) Gồm Belarus, Bolivia, Kazakhstan, Cuba, Malaysia, Thái Lan, Uganda, Uzbekistan và Nigeria.
(9) Hiện chưa có số lượng chính thức các quốc gia xin gia nhập BRICS, nhiều nguồn tin trích dẫn số lượng khác nhau. Ngoài 6 nước thành viên mới, các quốc gia được nêu có mong muốn gia nhập BRICS và NDB gồm: (i) Châu Á: Afghanistan, Bahrain, Bangladesh, Indonesia, Kazakhstan, Pakistan, Syria, Thái Lan, Myanmar (đang xem xét gia nhập NDB); (ii) Châu Phi: Algeria, Nigeria, Sudan, Tunisia, Zimbabwe, Senegal; (iii) Châu Mỹ: Mexico, Nicaragua, Uruguay, Venezuela, Honduras; Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, Serbia, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia đang là quan sát viên của EU…
(10) Cùng với Bê-la-rút, Bô-li-vi-a, Ca-dắc-xtan, Cu-ba, Ma-lay-xi-a, Ni-giê-ri-a, Thái Lan, U-gan-đa và U-dơ-bê-kít-xtan.